Nhìn lại những tháng ngày chập chững bước vào nghề! Được và mất?

Vậy là đã hơn 1 năm kể từ khi tốt nghiệp đại học và cũng là hơn 1 năm bước vào cái nghề này, trở thành 1 lập trình viên. Đây là 1 cột mốc đánh dấu khá quan trọng của mỗi con người.

Nhớ lại khoảng hơn 1 năm về trước, khi tôi còn đang trên ghế nhà trường, mối quan tâm duy nhất lúc đó chỉ là những con điểm. Đi học đại học học biết bao nhiêu là môn, từ cơ sở cho đến chuyên ngành, chẳng ai có thể giải thích được lúc đó học những thứ này để làm gì, không biết sau này có giúp ích gì được với mình hay không nhưng đối với tôi, tôi chỉ cố gắng làm sao để đạt thành tích cao nhất. Học lý thuyết là nhiều mà thực hành lại ít, học chống chế để lấy điểm, làm sao để điểm cao là được mà cũng chẳng quan tâm đến bản chất vấn đề cho lắm. Đặc biệt trong đầu bao giờ cũng không câu nệ bằng cấp nhưng bản thân thì lại luôn làm điều ngược lại. Cho đến bây giờ, phải chính mình trải qua mới thấy …. nhắc đến đây mới sực nhớ ra “Thôi chết, tấm bằng của mình không biết vứt ở đâu rồi!”

Bằng cấp thực sự không quan trọng nhưng mà thời đi học lại ít ai hiểu ra được cặn kẽ vấn đề này. Tất cả mọi người đều chạy đua vì điểm. Học chỉ để lấy cái mác mà kinh nghiệm hay kỹ năng thì không có chút nào. Hồi đó, tôi cũng rất ít khi đi thực tập mặc dù cũng đang thực tập ở một nơi khá ổn. Thỉnh thoảng lại lấy lý do là bận học bận thi để nghỉ. Giờ nghĩ lại thấy tiếc, giá như mình chăm hơn thì chắc chắn mình sẽ có nhiều kỹ năng tốt hơn hiện tại. Mình khuyên các bạn nên đi thực tập, cho dù thực tập không lương đi chăng nữa nhưng đổi lại mình sẽ có được kinh nghiệm học tập và rèn luyện trong môi trường thật, những kinh nghiệm mà không phải có tiền mà đổi được. Nó sẽ giúp cho các bạn có 1 tư duy tiến bộ hơn và đặc biệt những kỹ năng bạn học được sẽ giúp ích rất nhiều cho các bạn sau này.

Ngoài việc đi thực tập, thực tập càng sớm càng tốt thì các bạn cũng phải suy nghĩ lại về vấn đề học của mình. Học để lấy thêm kĩ năng, không phải học vì điểm. Những môn học trong trường hầu hết là những môn đã khá cũ nhưng mà nó sẽ giúp ta có thêm tư duy, nền tảng để học tiếp những cái mới. Phần lớn sau khi ra trường các bạn chưa chắc đã đi làm theo những môn mình đã học nhưng khi mà đã có 1 cái gốc thì các bạn sẽ học những thứ mới tốt hơn, nhanh hơn và có thể hiểu sâu vấn đề hơn.

Tôi, sau khi ra trường năm đầu đi làm không có nhiều chông gai. Phải nói là khá may mắn mà tôi đã được nhận ngay vào một công ty phần mềm với mức lương rất hấp dẫn cho một anh sinh viên chập choẹ chân ướt chân ráo. Những ngày đầu đi làm khá khó khăn vì kiến thức cũng như kỹ năng làm việc còn rất hạn chế. Chủ yếu lúc này là vừa học vừa làm vì công nghệ khi đó còn khá mới. Hơn nữa ngành công nghệ thông tin thì phát triển từng ngày, việc học tập tiếp thu những công nghệ mới là điều không thể tránh khỏi.  Khi đó càng làm việc bạn lại càng tìm ra được thú vui, những thứ mà bạn muốn trinh phục. Điều quan trọng là chúng ta cần phải rèn luyện kĩ năng cũng như tư duy từng ngày. Kỹ năng càng cao thì giá trị của bạn càng lớn kéo theo thu nhập của bạn tăng lên. Đối với tôi thì thành công không phải là may mắn mà cũng không thể làm theo. Nếu thành công mà học được, làm theo được thì trên thế giới này không còn chỗ đứng cho người thành công nữa rồi. Tuy nhiên trước khi thành công trong sự nghiệp chúng ta cũng cần tìm hiểu xem những người thành công thường làm gì và họ có thói quen như thế nào. Biết đâu được nó lại là đòn bẩy giúp ta vững bước sau này!

Bình luận về bài viết này